Vương quốc Anh vẫn nằm ở nhóm giữa - sau những nước như Nhật, Estonia, Phần Lan và Việt Nam.
Giám đốc giáo dục OECD, ông Andreas Schleicher nói tiến bộ về giáo dục của Việt Nam là "thật đáng phục" còn Singapore không những "chỉ xếp hạng cao, mà còn ngày càng bỏ xa các nước khác."
Xếp hạng PISA là gì?
Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) đưa ra xếp hạng giáo dục dựa trên các bài thi quốc tế dành cho học sinh 15 tuổi ở các môn Toán, Đọc và Khoa học.
Các bài thi này, do OECD tổ chức và thực hiện ba năm một lần, ngày càng trở nên quan trọng với các chính trị gia. Họ coi bảng xếp hạng toàn cầu này như một thước đo về đất nước và các chính sách của họ.
Các nước châu Á tiếp tục dẫn đầu, với Singapore xếp đầu bảng, thay vị trí của Thượng Hải, thành phố mà giờ đây được xếp hạng gộp trong kết quả của Trung Quốc.
Xếp hạng các môn Toán và Đọc
Singapore đã thay thế Thượng Hải là nơi có hệ thống giáo dục được xếp hạng cao nhất - và Thượng Hải không còn được xếp hạng riêng trong bảng này.
Đã có nhiều tranh luận về việc Thượng Hải có thể đại diện cho trình độ ở các trường trên khắp Trung Quốc không - và năm nay, lần đầu tiên, Thượng Hải đã được gộp chung trong xếp hạng cho cả nước Trung Quốc, dựa trên kết quả các trường ở bốn tỉnh nước này.
Trong xếp hạng chung tính cả Thượng Hải, Trung Quốc nằm trong top 10 quốc gia về các môn toán và khoa học, nhưng không nằm trong top 20 về môn đọc.
Hong Kong và Macao cũng là những nơi có hệ thống giáo dục được đánh giá cao.
Các nước châu Á đứng đầu.
Hệ thống giáo dục của các nước châu Á chiếm phần lớn các vị trí cao trong bảng xếp hạng này - chiếm 7 vị trí đứng đầu về toán. Dẫn đầu là Singapore, sau đó là Hong Kong, Macao, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn.
Phần Lan, Estonia và Ireland là ba nước duy nhất không thuộc châu Á lọt vào các vị trí trong top 5 ở các môn này.
Ông Schleicher cho rằng các nước châu Á như Singapore đã đạt được kết quả cao mà không có sự khác biệt lớn giữa học sinh từ các gia đình khá giả và các gia đình khó khăn.
Học sinh Việt Nam đạt được kết quả cao hơn học sinh Đức và Thụy Sĩ trong môn khoa học - và vượt học sinh Mỹ về khoa học và toán.
Trong số các nước Nam Mỹ, ông Schleicher nhấn mạnh tiến bộ của Peru và Colombia.
Image copyrightPAImage captionKết quả thi của Vương quốc Anh đứng sau các nền giáo dục hàng đầu châu Á
Nhưng Vương quốc Anh đã không đạt được cải thiện nào - mặc dù các bộ trưởng giáo dục ở Anh coi bảng xếp hạng PISA là một thước đo quan trọng về tiến bộ giáo dục .
Về toán, Anh chỉ xếp thứ 27, tụt một bậc so với cách đây ba năm, ở vị trí thấp nhất kể từ khi Anh bắt đầu tham gia các kỳ thi của PISA năm 2000.
Về đọc, Anh xếp thứ 22, lên một bậc, nhưng vẫn không được vào top 20 như hồi năm 2006.
Môn có nhiều tiến bộ nhất của Anh là khoa học, lên vị trí thứ 15 từ thứ 21. Đây là vị trí cao nhất Anh đạt được kể từ năm 2006, mặc dù điểm thi thì thấp hơn.
Ông Andreas Schleicher nói Singapore có kết quả cao và không có khoảng cách lớn giữa học sinh giàu và nghèo
Vì sao nền giáo dục Singapore thành công?
Singapore, một nước châu Á nhỏ, đã không ngừng tập trung vào giáo dục như một cách phát triển nền kinh tế và nâng cao mức sống.
Từ một trong những nước nghèo nhất, với nhiều chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau, Singapore đã vượt qua nhiều nước giàu hơn ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á để trở thành quốc gia hàng đầu về giáo dục.
Giáo sư Sing Kong Lee, phó chủ tịch Trường Đại học Công Nghệ Nanyang, nơi có Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, nói một nhân tố quan trọng là chất lượng dạy học.
"Singapore đầu tư mạnh cho một đội ngũ giáo viên có chất lượng - để tăng uy tín cho nghề dạy học và thu hút những sinh viên đã tốt nghiệp giỏi nhất," Giáo sư Lee nói.
Singapore tuyển giáo viên từ 5% những sinh viên giỏi nhất trong một hệ thống giáo dục được quản lý tập trung.
Tất cả các giáo viên được đào tạo ở Viện Giáo dục Quốc gia, và Giáo sư Lee nói đây là con đường duy nhất để đảm bảo quản lý chất lượng giáo viên và giúp các giáo viên mới "lên lớp một cách tự tin".
Đây phải là một biện pháp nhất quán, lâu dài và được theo đuổi hàng chục năm, Giáo sư Lee nhận xét.
Giáo dục là một "hệ sinh thái", ông nói, và "chúng ta không thể thay đổi một bộ phận riêng rẽ".
Theo BBC Tiếng Việt.