Hà Nội những ngày đầu đông này thật lạnh. Ngoài kia, trời mưa làm cho không khí càng thêm buốt giá. Người ta đang hối hả thật vội tìm cho mình một nơi ấm áp, còn tôi thì một mình ngồi tìm hướng đi cho công việc mới. Trong quán cafe ấm áp, nhìn hai cây xà cừ già bên cửa sổ, tôi chợt nhớ đến Hai Cây Phong đến người thầy Đuy Sen và cô học trò An-tư-nai. Câu chuyện mà Thế hệ các anh chị 8x hay 9x chúng tôi vẫn nhắc về “Người thầy đầu tiên” , những nhân vật ghi dấu ấn mạnh mẽ khiến biết bao người thay đổi cuộc đời.
An-tư-nai là một cô bé mồ côi mười bốn tuổi, sống cùng gia đình người chú với một bà thím độc ác suốt ngày mắng chửi, đánh đập.
Cuộc đời cô sẽ như cuộc đời bao đứa trẻ mồ côi khác nếu như không có sự xuất hiện của thầy giáo Đuysen. Thầy Đuysen được cử về trường Cu-cu-rêu dạy học chỉ bằng một mảnh giấy gập làm tư có dấu của chính quyền Xô viết. Thầy ấy chỉ có không rìu, không ngựa, không cả niềm tin của dân làng. Tôi không biết thầy đã lấy sức mạnh từ đâu để xây dựng ngôi trường đưa con chữ giúp người ta lớp lên, văn minh và giàu có hơn. Thầy đến từng ngôi nhà trên những con đường có khi cũng chẳng có lối đi để vận động cho các gia đình cho con em đi học. Và có lẽ khó khăn nhất là đến gia đình bà thím nơi An tư nai đang sống. Tôi đã hồi hộp và lo lắng vô cùng chỉ sợ thầy sẽ không thuyết phục được họ cho An tư nai đi học, nhưng thật may mắn là người chú đã nổi cơn điên với bà vợ độc ác để thầy Đuysen có được người học trò hiếu học, kiên cường như An tư nai.
"Người thầy đầu tiên" là câu chuyện hồi ức cảm động của bà viện sĩ An-tư-nai về người thầy giáo đầu tiên trong cuộc đời của mình.
Thầy - trò trường Cu-cu-rêu đã phải vượt qua bao khó khăn vất vả, điều kiện thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt để dạy và học. Thế rồi, bà thím của Antưnai quyết tâm gả cô làm vợ lẽ cho một tên trọc phú ở làng bên. Dù thầy Đuysen đã ra sức ngăn cản, thậm chí bị bọn quý tộc đánh gãy tay nhưng may mắn là thầy vẫn bảo vệ được Antưnai. Cuối cùng hai thầy trò trồng hai cây phong bé nhỏ trên đồi, thầy Đuysen nói với Antưnai rằng cô bé sẽ giống như cây phong đầy nghị lực, sau này lớn lên sẽ thành công.
Như mọi câu chuyện cổ tích tốt lành, cái thiện đã chiến thắng. Ba ngày sau, Antưnai được thầy Đuysen cùng công an giải cứu và đưa lên tỉnh học. Thời gian trôi qua, Antưnai phát hiện mình có cảm tình với thầy Đuysen, cô viết thư cho thầy nhưng không nhận được thư trả lời vì thầy không muốn làm ảnh hưởng tới việc học của cô. Thầy Đuysen vào bộ đội. Cô bé Antưnai ngày nào lớn lên, thành đạt và trở thành một viện sĩ. Năm 1946 Antưnai về thăm lại quê hương, hai cây phong đã cao lớn trên đồi lộng gió. Thầy Đuysen thì trở thành người đưa thư. Antưnai quyết định đỡ đầu cho ngôi trường xưa và đặt tên cho ngôi trường là "Trường Đuysen". Dù là một cái kết có hậu nhưng mỗi lần đọc những dòng chữ của nhà văn Aitmatov viết về thầy, tôi lại thấy xót xa vô cùng. Vì sao Aitmatov không thể cho thầy Đuy-sen nhiều hơn một chút hạnh phúc? Có lẽ nào việc thầy Đuy-sen nhìn thấy An-tư-nai thành công đã là niềm hạnh phúc lớn nhất đời thầy rồi? Tôi băn khoăn vậy nhưng vẫn không khỏi buồn cho cuộc đời của người thầy đáng kính.
Tôi còn đọc lại “Người thầy đầu tiên” nhiều lần nữa, vì mỗi lần đọc lại là tôi lại ngẫm ra được một bài học mới cho mình. Không phải tất cả những gì mình làm cho người khác đều phải nhận được lời cảm ơn hay một sự thừa nhận nào đó. Và có lẽ sự thành công của những học trò mới là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời của thầy cô. Tôi nhớ về thầy cũng nhớ tất cả những người thầy cô đã dẫn dắt tôi trong hành trình góp nhặt tri thức. Tôi mong tất cả thầy cô trong sự nghiệp trồng người gian nan vững vàng tay chèo để lèo lái con thuyền đưa những người học trò đến với ước mơ.
Tấm lòng của thầy cô, có lẽ chỉ những đêm dài, những ngọn đèn, mới có thể làm chứng và hiểu được mà thôi. Những ai còn là học sinh xin đừng làm tóc thầy thêm bạc trắng. Ai đã qua thời học sinh hãy gửi lời đến thày cô của mình lời chúc, bày tỏ sự quan tâm của mình. Nhất là khi nhân dịp 20/11 đang đến gần. Bởi chúng ta chẳng thể biết được chúng ta còn được gửi lời chúc hay bày tỏ sự quan tâm tới thầy cô của mình bao nhiêu năm nữa.
Hãy kể với ad câu chuyện về người thầy của bạn, và tham gia cuộc thi Khoảnh khắc cô thầy với Bài tập 123 cũng là cách để bạn thể hiện tình cảm của mình với Thầy cô ngay hôm nay các bạn nhé.