Tuyển tập bộ đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn giành cho các bạn ôn thi năm 2018 có tại đây
Về hình thức và cấu trúc, đề thi minh họa THPT Quốc gia môn Văn 2018 không thay đổi so với mọi năm (vẫn 100% hình thức tự luận, thời gian thi 120 phút và với cấu trúc 2 phần).
Nhìn chung, đề năm nay được đánh giá là khó hơn so với năm 2017 và có tính phân loại cao, đặc biệt là ở câu Nghị luận văn học.
1. Về cấu trúc đề thi minh họa 2018 môn Văn
Cấu trúc đề thi không thay đổi, vẫn giữ cấu trúc 2 phần:
+ Phần I: Đọc – hiểu (chiếm 30% tổng số điểm):
Đề bài cho một đoạn văn, nói về “Sự trưởng thành với những vấp ngã sai lầm”. Có 4 câu hỏi dựa theo đoạn văn đã cho, hỏi về: phương thức biểu đạt; về những ý kiến, lí giải của học sinh trước một số ý kiến xoay quanh đoạn văn đó.
+ Phần II: Làm Văn (chiếm 70% tổng số điểm). Trong đó:
- Câu Nghị luận xã hội chiếm 20% tổng số điểm, nói về “Sự trải nghiệm”, gần gũi, thiết thực và mang tính mở cho học sinh.
- Câu Nghị luận văn học chiếm 50% tổng số điểm, đề hỏi về hai nhân vật trong hai tác phẩm: Người lái đò sông Đà và Chữ người tử tù. Từ đó rút ra nhận xét về đặc điểm đối tượng sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân, cụ thể ở đây là về “vẻ đẹp con người”.
>>> Tham khảo thêm: Gợi ý làm đề thi minh họa THPT Quốc gia 2018 môn Ngữ Văn.
2. Về mức độ khó của đề thi minh họa 2018 môn Văn
Nhìn chung, đề thi bám sát chương trình SGK và có tính phân loại.
- Phần Đọc – hiểu và phần câu hỏi Nghị luận xã hội không khó. Học sinh ở mức độ trung bình khá có thể làm được.
- Phần câu hỏi Nghị luận văn học về mảng văn xuôi, được đánh giá là khó và là câu hỏi phân loại được học sinh.
Đề cho:
“Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo duc Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo duc Việt Nam, 2016) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người”
+ Câu hỏi chứa kiến thức của hai tác phẩm Người lái đò sông Đà (lớp 12) và Chữ người tử tù (lớp 11). Bên cạnh đó, chứa đựng cả kiến thức về đặc điểm đối tượng “vẻ đẹp con người” trong các sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân.
+ Như vậy, có thể thấy được rằng, kiến thức mà học sinh cần phải huy động rất rộng, đòi hỏi học sinh cần phải có được tính phân tích, mổ xẻ và tính khái quát cao. Học sinh phải nắm chắc kiến thức, tách đối tượng rồi lại hợp đối tượng để khái quát được nên “quan điểm của nhà văn về vẻ đẹp con người”.
+ Dễ dàng nhận thấy, đề câu Nghị luận văn học (chiếm 5 điểm), đòi hỏi học sinh hội tụ đồng thời các năng lực: phân tích – so sánh, đối chiếu - liên hệ và khái quát thì mới có thể làm tốt và tròn trịa được câu Nghị luận văn học trên.
Như vậy so với đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2017 thì trong đề thi mình họa năm nay, câu hỏi phần Đọc – hiểu và câu hỏi Nghị luận xã hội không quá khó, gắn liền với thực tiễn khá cao. Còn câu hỏi Nghị luận văn học được đánh giá là khó và rộng hơn, các em cần phải trang bị cho mình lượng kiến thức chắc chắn ở cả lớp 11 và lớp 12, kết hợp với năng lực liên hệ so sánh nhuần nhuyễn. Do vậy, trong quá trình ôn thi, các em tránh học tủ, mà cần có sự đầu tư đồng bộ ở kiến thức các tác phẩm lớp 11 và lớp 12, đi liền với đó là chủ động nắm vững kiến thức về các tác giả văn học (phong cách nghệ thuật, quan điểm nghệ thuật…). Đồng thời, rèn luyện kĩ năng viết để tự tin trong diễn đạt liên kết và đảm bảo chủ động về mặt thời gian, hoàn thành bài thi của mình đủ cả 2 phần Đọc – hiểu và Làm Văn như đề cho.
Chúc các em thành công !
Baitap123 Team